Tịnh hóa nghiệp chướng qua 4 lực gia trì và làm sao để phát Bồ đề tâm đối với người sân hận ta
Đức H.H Drikung Kyabgon Chetsang Rinpoche thuyết giảng tại chùa Giác Sanh - số 103 Âu Cơ, Phường 14, Quận 11, TP.HCM, Việt Nam ngày 27/12/2018
Đầu tiên thầy có lời chào tri ân tới thầy trụ trì, tăng đoàn và tất cả các phật tử đã tới đây để thọ nhận giáo pháp.
Thầy đến đây thấy đạo tràng rất trang nghiêm rất đẹp.
Hôm nay chúng ta sẽ học về bốn lực tịnh hoá nghiệp chướng và cách thức làm sao để loại trừ tham và sân hận trong chúng ta.
Trong Phật pháp, thầy sẽ giảng cho chúng ta nghe về một vấn đề rất quan trọng đối với việc tịnh hoá nghiệp chướng.
Trong câu kệ thứ nhất, thầy dạy rằng trong luân hồi dĩ nhiên tất cả chúng ta ai ai cũng có đau khổ phiền não. Ví dụ có những người không có sức khoẻ tốt, có những người kinh doanh không thuận lợi, những thứ bất lợi đó vốn dĩ không tự nhiên sinh khởi, mà là nghiệp quả của đời trước mà chúng ta đã tạo tác. Vì vậy mà Đức Phật nói mọi việc đều không tự nhiên sinh ra, mọi việc đều có nhân khởi của nó.
Trong câu kệ thứ hai là thực hành các thiện hạnh hoàn mãn. Cũng như vậy, lại có những người trải qua cuộc sống gặp nhiều may mắn, làm gì cũng thuận lợi luôn hạnh phúc. Tại sao lại như thế? Đó là do họ đã tích tập được thiện nghiệp trong quá khứ mà thôi. Do đó cách tốt nhất để sống trong cõi luân hồi mà bớt phiền não, bớt đau khổ đó là cố gắng thực hành thiện hạnh một cách hoàn hảo.
Tiếp theo Ngài sẽ đọc cho mọi người nghe một đoạn kệ ngắn, đoạn này nói về tứ lực tịnh hoá để tịnh hoá nghiệp chướng của mình. Sau khi đọc xong Ngài sẽ giảng giải từng phần cho mình nghe.
Đây là bộ kinh Đại thừa, gọi là Tứ pháp lực kinh, nhân khởi là Đức Phật Thích Ca ngự trên cung trời Đâu Suất 33 tầng trời và bắt đầu thuyết pháp. Ở trong chúng hội đó có 500 vị tỳ kheo thượng thủ, trong chúng hội Bồ tát thì có Ngài Bồ tát Văn thù và Bồ tát Di lặc là thượng thủ. Lúc bấy giờ Đức Phật Thích Ca mới thuyết với Ngài Di Lặc rằng: Này thiện nam tử, theo quan kiến thì có bốn lực giúp chúng ta tịnh hoá hoàn toàn nghiệp chướng.
Lực đầu tiên là lực nương tựa, theo đó ta nương tựa vào tam bảo, và thứ hai là ta không bao giờ dừng dứt bồ đề tâm của mình.
Lực thứ hai là lực sám hối, ta sám hối những bất thiện hạnh mà ta đã tạo tác, từ sâu thẳm trong tâm ta phải khởi lên một tâm hối hận, tâm sám hối và tàm quý vì những bất thiện hạnh đó.
Lực thứ ba là lực đối trị, ở đó ta tán thán công đức của chư Phật, bất kì thiện hạnh nào ta tích luỹ được ta đều dâng lên cúng dường lên chư Phật.
Lực thứ tư là lực dừng dứt, tức là ta quả quyết trong tâm ta rằng nguyện ta sẽ chẳng bao giờ tái phạm lại điều đó nữa.
Sau đó này thiện nam tử, hãy thường xuyên nghĩ tưởng và đọc tụng về tứ lực này, thì tất cả những nghiệp tội của con sẽ được tịnh hoá hoàn toàn. Khi Đức Phật nói lời đó xong thì Ngài Di Lặc và tất cả chúng hội Bồ tát đều hoan hỷ và tán thán.
Nói về tịnh hoá, trong đại thừa có kinh Sám hồng danh 35 vị Phật có năng lực sám hối vô cùng mạnh mẽ. Khi mình trì tụng danh hiệu của 35 vị Bồ tát đó thì nghiệp chướng của mình sẽ được tịnh hoá mạnh mẽ, đó là theo Kinh thừa.
Kinh đó trong tiếng Tạng gọi ngắn gọn là Tịnh hoá lỗi lầm, nhưng đúng nghĩa là Ba bước tịnh hoá. Bước thứ nhất, ta niệm hồng danh 35 vị Phật và lễ lạy. Bước thứ hai, trong lúc đó tâm ta phải thực sự sám hối, phải phát khởi tâm tàm quý mạnh mẽ sám hối những ác nghiệp đã tạo và bước cuối cùng ta phải hồi hướng tất cả công đức có được cho toàn bộ chúng sinh. Đủ cả ba bước thì mới là nền tảng của kinh này, giúp tịnh hoá mạnh mẽ các nghiệp chướng đã tích tập.
Bản kinh này mọi người có thể tụng niệm, thậm chí khi làm các thiện hạnh khác thì mình vẫn có thể tụng niệm được rất là tốt. Tuy nhiên quan trọng trong tứ lực tịnh hoá chính là lực đầu tiên, lực nương tựa. Ở đây chính là nương tựa vào 35 vị Phật giúp mình tịnh hoá được nghiệp chướng. Tiếp theo, khi cầu nguyện và nương tựa vào các Ngài, mình muốn sám hối nghiệp chướng, mình phải nghĩ về những lầm lạc mà mình đã tạo tác, dù là gián tiếp hay trực tiếp, cố tình hay vô tình, tất cả những nghiệp đó mình đều phải sám hối và đó là lực đối trị. Tiếp theo, sau khi đã sám hối xong thì mình xin hứa là sẽ không bao giờ tái phạm. Đây là cách tịnh hoá nghiệp chướng theo kinh thừa.
Nói về tịnh hoá thì có hai cách. Theo kinh thừa và Mật thừa. Lúc nãy thầy vừa tóm tắt tịnh hoá theo Kinh thừa. Còn bây giờ thầy sẽ đi về cách thức tịnh hoá trong Mật thừa. Khi nói về Mật thừa, chúng ta không nói về phàm thân. Mà khi nói về Mật thừa, tất cả chư tôn đều hoá hiện trong trạng thái báo thân. Và chư tôn trong trạng thái báo thân thì đều hiển hiện mạn đà la và tất cả đều nằm trong Ngũ trí Như Lai. Phật Kim Cang Tát Đỏa (KCTĐ), vị mà chúng ta sẽ nương tựa vào khi thực hành trong trạng thái báo thân. Trạng thái báo thân nghĩa là có vương miện, có tất cả lụa là trang sức. Và bây giờ mình sẽ thực hành như sau. Mình đang ở trong thân tướng phàm trần này, với rất nhiều tội lỗi và nghiệp chướng, trên đỉnh đầu của mình là đức Kim cang tát đoả đang ngồi trên đoá sen trắng. Và ngài chính là lực nương tựa đầu tiên.
Thần chú của Ngài KCTĐ có 100 âm hay còn gọi là Bách tự chú. Lúc bấy giờ, Đức KCTĐ đang ngự ở trên đỉnh đầu của mình, ở ngay giữa tim ngài có đĩa mặt trăng, trên đĩa mặt trăng có chày kim cang, và xoay xung quanh chày kim cang là thần chú 100 âm và xoay liên tục. Khi trì tụng thần chú thì vòng chú ở trên xoay liên tục. Và đó là lực đối trị, đối trị sám hối những nghiệp chướng của mình.
Khi trì tụng thần chú, thì mình quán tưởng từ vòng chú xoay thật nhanh phóng toả hào quang. Hào quang bay tới tất cả thập phương pháp giới, tới tất cả tịnh thổ của chư Phật và chư Bồ tát dâng cúng lên các Ngài. Sau đó chư Phật Bồ tát phóng ánh sáng gia trì quay trở về tan nhập vào vòng chú. Từ vòng chú ứa ra dòng cam lồ. Cam lồ tuôn tràn đi vào trong cơ thể của mình. Trong kinh điển có dạy là nước cam lồ đi qua ngón chân cái ở chân phải của đức KCTĐ nhưng ở đây ta cứ quán tưởng là nước cam lộ thấm nhập vào kinh mạch trung ương của mình, thấm nhập toàn thân mình, rửa sạch tất cả các nghiệp chướng. Lúc này tất cả các nghiệp tập đều được rửa sạch, chảy ra khỏi cơ thể dưới dạng chất lỏng màu đen và chảy sâu dưới lòng đất. Trong lúc đó khởi nghĩ rằng tất cả các nghiệp chướng đã tạo tác ở các đời quá khứ đều do vô minh, con thành tâm sám hối tất cả các bất thiện nghiệp đã tạo.
Khi nghiệp chướng đã được tịnh hoá, mình đã hoàn toàn sám hối xong thì mình tự hứa trong tâm rằng “ con nguyện sẽ không bao giờ phạm phải, không bao giờ tái phạm “, đó là lực sám hối thứ tư đã được hoàn mãn.
Bây giờ ngài sẽ khẩu truyền cho mình bộ chú này. Ai có thể quán tưởng được như thầy đã dạy thì rất tốt.
Khi thực hành thì cần quán đúng như đã được hướng dẫn. Đầu tiên thì ngồi thiền thì thân phải thẳng, quán trên đỉnh đầu đoá sen trắng, trên đó có ngài KCTĐ là tinh tuý của chư Phật và chư Bồ tát, thân ngài cũng màu trắng. Tay phải ngài cầm chày để ngang tim, tay trái ngài cầm chuông để ngang hông, mình quán như vậy. Ở giữa tim đức KCTĐ là một đĩa mặt trăng, trên đó là một chày kim cương 5 chấu màu trắng, xung quanh chày kim cang là thần chú trăm âm. Nếu ai có thể quán tưởng được sâu hơn thì mình quán tưởng hai lớp. Lớp ở trung tâm không phải là chày kim cang nữa mà là chủng tử Hung, xung quanh là câu chú ngắn om benza satva. Sau đó vòng bên ngoài là thần chú trăm âm, mình quán như vậy.
Lúc bấy giờ, quán tưởng vòng chú ở giữa tim của đức KCTĐ giống như một chuỗi ngọc trai trắng sáng toả ra ánh sáng cúng dường chư Phật, chư bồ tát ở mười phương ba thời và chư vị phóng ánh sáng gia trì về, ào xuống thấm nhập vào đức Phật KCTĐ ở trên đỉnh đầu của ta và thấm nhập vào chủng tự Hung ở giữa tim của ngài.
Tiếp theo, sau khi đức KCTĐ đã thọ nhận tất cả ân phước gia trì thì toàn thân ngài tràn ngập cam lồ, lúc này cam lồ mới đi vào cơ thể của mình qua luân xa đỉnh đầu đi vào kinh mạch trung ương, sau đó tràn ra toàn thân mình, cứ như thể cam lồ ào xuống rửa sạch hết nghiệp chướng của ta, và mình quán tưởng nghiệp chướng trở thành dòng nước bẩn thỉu chảy sâu xuống tận lòng đất.
Và lúc đó mình trì tụng chú trăm âm 3 lần, sau đó mình sẽ trì chú ngắn (OM BENZA SATTVA HUNG). Trong lúc đó mình sẽ quán chiếu hai lực tịnh hoá còn lại, đó là mình sám hối về các nghiệp đã tạo tác và hứa nguyện sẽ không bao giờ tái phạm.
Lúc bấy giờ, sau khi trì tụng thần chú xong, ta đối trước đức KCTĐ trên đỉnh đầu và khẩn cầu ngài rằng “do vô minh mà con đã tạo tác nhiều lỗi lầm và xin ngài hãy tha thứ tất cả những lỗi lầm của con “. Lúc này ta cần quán tưởng đức KCTĐ trên đỉnh đầu của mình mỉm cười và hài lòng trả lời “Này thiện nam tử, thiện nữ nhân, tất cả ác nghiệp mà con tích tập đã được tịnh hoá”. Khi đức KCTĐ nói lời đó xong thì tất cả gánh nặng nghiệp chướng của mình tức thời được tiêu trừ, mình cảm thấy nhẹ nhàng vô cùng và chắc chắn mình đã được tịnh hoá.
Thông thường, thần chú thì ai cũng biết. Nhưng trì tụng thần chú thôi chưa đủ, mà trì tụng thần chú phải đi cùng với tứ lực tinh hoá thì ta mới có thể tịnh hoá được, tịnh hoá ngay cả các ngũ nghịch trong tội. Tuy nhiên phải nhớ rằng Phật pháp là nhân và quả, vì vậy khi khởi tâm trì tụng, sám hối thì phải chân thành, đừng bao giờ thực hành tịnh hoá với tâm nghi ngờ “không biết mình có được tịnh hoá hay không“ thì chính cái tâm nghi ngờ đó sẽ là nhân khởi cho nghiệp chướng quay lại. Do đó, có niềm tin vào tứ lực tịnh hoá này là rất quan trọng.
Ngàn kiếp tích tập phước đức, chỉ một niệm sân thì tiêu hủy hết
Sau khi nói về tứ lực tịnh hoá, chủ đề tiếp theo chúng ta sẽ nói đến là lửa sân và cách thức hoá giải sân hận của mình. Thầy nói rằng sân thì ai cũng sân; sân với gia đình hay người thân thuộc thì niệm sân diễn ra rất dễ dàng. Tuy nhiên Sư tổ trích trong Nhập bồ tát hạnh, trong chương nhẫn nhục thi kệ đầu tiên nói rằng, ngàn kiếp tích tập ba la mật chỉ một niệm sân thì tiêu hủy hết. Chúng ta ai cũng biết phước đức tích tập không dễ, và phước đức tích tập trong cả ngàn kiếp đó chỉ cần một niệm sân đã mất. Vì vậy đừng xem thường sân hận và phải xem sân hận là rất nghiêm trọng. Vì vậy phải đối mặt và hoá giải sân hận. Chính sự hoá giải sân hận đó là thực hành viên mãn rồi.
Ở đây thầy không cần nói đến những thứ lớn lao mà ngay cái thứ nhỏ xíu là gia đình thôi thì mình có thể thấy bố mẹ con cái vợ chồng cứ gần nhau là gây nhau, gây lớn lên thì hờn nhau giận nhau, giận nhau thì bỏ đi, bỏ đi lại khóc vì nhớ, nhớ thì lại quay về, về lại gây tiếp. Ở Việt Nam có câu “ở xa thì mỏi chân, mà gần thì mọi miệng”, thật là tức cười đúng không quý vị.
Ví dụ lúc ban đầu chúng ta đến với nhau rất nhẹ nhàng hạnh phúc. Sau khi gây dựng với nhau thì sự tranh cãi phát sinh. Khi đó lòng sân giận bắt đầu nổi lên. Khi sân giận nổi lên thì tức thời mình chỉ thấy người kia có lỗi, người kia sai, người kia làm điều có lỗi với tôi. Nhưng khi quán chiếu kỹ thì mình sẽ thấy không phải. Thật ra ai ai cũng muốn hạnh phúc, ai cũng muốn tốt. Tuy nhiên có những người họ không làm được theo chọn lựa của họ. Họ có muốn làm khác cũng không được bởi vì họ phải làm như thế để chọc giận mình. Khi mình quán chiếu kỹ, mình sẽ thấy việc những người đó bắt buộc phải làm những việc trái với ý nguyện của người ta, bản thân đó là do nghiệp của họ, do trong quá khứ họ đã gieo nhân xấu để đời này khiến cho người ta không được tự do làm điều mà được tự tại và phải làm như vậy. Như vậy quý vị không nên nhìn trước mắt mà nên nhìn nhân duyên nghiệp quả, chúng ta phải nhìn ra chuyện đằng sau. Và khi nhìn ra chuyện đằng sau thì ta sẽ thông cảm cho người khác hơn. Họ không phải là đối tượng để ta sân giận, mà là đối tượng để ta yêu thương và trải lòng từ bi của mình. Đó là căn bản đầu tiên mà mọi người cần phải nhớ.
Kế đến, khi chuẩn bị sân lên rồi, chuẩn bị gây nhau rồi, thì cách tốt nhất là cho mình và cho người đó không gian. Bởi vì khi nghiệp sân nổ ra thì cần thời gian để nguội lại, nếu ta tiếp cận ngay thì câu chuyện không ổn. Thầy kể rằng thầy có một cặp đệ tử phương Tây, họ có một vật, khi một người đặt vật đó lên bàn thì người kia sẽ biết là người này đang giận dữ và sẽ lui ra liền và cho họ khoảng cách. Vì vậy khi nghiệp sân nổi lên, bất kì điều mình nói gì cũng giống như là đổ dầu vào lửa, càng ngày càng bốc lên mà thôi. Vậy luật thứ hai là cho nhau khoảng cách.
Cách tiếp theo là nếu mình đang sân giận thì làm thế nào để loại trừ cơn sân giận đang diễn ra trong tâm mình? Sơ tổ của dòng Drikung - Jigten Sumgon có cách rất hay như sau: Lúc mình đang sân thì mình ngồi xuống trong tư thế thiền, và quán chiếu kỹ xem cái cảm giác, cơn sân đó nằm ở đâu trong cơ thể mình, nó mạnh mẽ ở chỗ nào nhất trong thân mình, và mình quan sát nó, mình nhìn nó. Khi mình quán chiếu và quan sát, thì mình sẽ tự nhiên thấy cơn sân giận đó mất đi dễ dàng. Đây là giáo lý không hề đơn giản mà trước đây chỉ được dạy cho quý thầy lớn.
Tuy nhiên khi cơn giận giảm xuống, mọi chuyện vẫn chưa hết. Ta vẫn nên tiếp tục thảo luận. Bởi vì mặc dù cơn giận đã nguôi nhưng vấn đề thì vẫn còn đó. Và ngài nói rằng trong cuộc sống thì chuyện giải quyết vấn đề là đương nhiên. Lúc bấy giờ cần nhớ kỹ, mục đích chính của mình là giải quyết vấn đề, chứ không phải là giận giữ trong khi giải quyết vấn đề. Lúc đó tâm của mình đã lắng xuống rồi, mình đã ngồi xuống giải quyết vấn đề rồi nhưng mình phải nhớ mục đích chính của mình là giải quyết vấn đề.
Chúng ta ai cũng có cái sở nguyện của mình. Và hai người là hai cá thể có hai nghiệp quả khác nhau, chắc chắn sẽ không bao giờ có chung quan điểm được. Giống mặt hồ, hai bên phải có sự bình đẳng với nhau, phải đặt mình trên quan kiến của người ta, thì mình mới hiểu người kia đang cần là gì. Mình đừng nhìn vấn đề của mình mà nhìn cái người ta cần là gì. Như vậy thì nhân duyên mới từ từ ổn thoả hơn. Nếu chỉ thấy nguyện ước của mình thôi thì chắc chắn nguyện ước của người ta sẽ không lọt vào tai hay vào mắt của mình và chắc chắn sẽ không giải quyết được vấn đề gì hết.
Hai người giống như nhạc công với người nhảy. Nếu nhảy một đàng, nhạc một nẻo thì không được. Hai người phải cùng nhịp với nhau mới nên chuyện. Vì vậy khi mình có thiện ý, mà họ khởi tâm sân hận thì mình cũng phải thực hành hạnh nhẫn nhục với người ta. Giống như khiêu vũ vậy, có lúc tiến lúc lùi. Khi gặp người ta và mình nói vào mà mình thấy họ dội ra quá thì đừng ráng ép vào nữa mà hãy lùi lại một chút, đợi một thời gian sau hãy tiến vào và tiến vào từng bước lần lượt thì mọi chuyện sẽ suôn sẻ hơn.
Tiếp theo cần lưu ý, tránh những từ ngữ nặng nề. Khi đã giảm sân xuống rồi thì hãy dùng những từ đơn giản nhẹ nhàng thôi vì từ ngữ nặng nề sẽ gây tổn thương cho người khác. Người Tây Tạng có câu từ ngữ nặng nề không phải là vũ khí, không phải là dao kiếm nhưng có thể làm chảy máu trái tim người ta. Vì vậy khi mà mình dùng từ ngữ nặng nề thì người khác sẽ tổn thương. Do đó thầy nói dùng từ ngữ nặng nề chỉ mang lại kết quả tệ hơn mà thôi. Do đó sau khi lửa sân đã giảm xuống hãy tránh dùng những từ ngữ nặng nề.
Vì vậy, có những người sân hận xong đỏ mặt tía tai, rồi giận run người. Thầy nói cái người đang giận mà giận run người, mình muốn đánh cho người kia một cái mình đang run mình đánh cũng hụt nữa. Vì mình không điều khiển được mình nữa, mình không làm được gì hết. Vì vậy nhớ hãy giảm thiểu sân hận xuống.
Khi sân hận nhiều thì sẽ kéo theo cơ thể không khoẻ mạnh, rồi bệnh tật sẽ phát sinh. Ssân hận nhiều thì mình không hạnh phúc. Tựu chung cuộc đời mình đích đến là hạnh phúc, mà sân hận nhiều có phải là mình đang tự huỷ đi hạnh phúc của mình hay không. Như vậy không ích lợi gì hết. Còn xét trên quan điểm Phật giáo thì sân hận như đã nói sẽ tiêu huỷ rất nhiều phước báu đã tích tập.
Tiếp theo, đối trị với sân hận đó là nhẫn nhục. Nghe tới nhẫn nhục thì mình cứ nghĩ rằng mình đang chịu thiệt thòi, đang đưa mình vào thế thua, còn người kia ở vào thế thắng. Nhưng không phải như vậy. Nhẫn nhục nghĩa là tâm mình lắng xuống để mình có cơ hội diễn giải cho người khác rõ hơn, chứ ở đây không phải là chuyện thắng thua. Mà ở đây mình làm cho tâm mình bình lặng. Và phải nhớ dù chuyện gì đi nữa cứ khởi sân hận là ta đau khổ trước. Vì vậy nhẫn nhục ở đây là làm cho tâm mình bình lặng lại.
Trong Nhập bồ tát hạnh có nói, không có con quỷ nào xấu xa như quỷ sân hận, và không có thiện thần nào tốt lành như hạnh từ bi. Như vậy cách tốt nhất để diệt trừ sân hận là phải tịnh hoá được nghiệp chướng kèm theo tăng trưởng kham nhẫn hay nhẫn nhục của mình.
Thực hành tịnh hoá tốt nhất đó chính là kham nhẫn. Ai cũng biết bình thường mình đang tốt đẹp đang thuận duyên, không có chuyện gì xảy ra với mình thì làm sao mình thực hành hạnh nhẫn nhục được. Chỉ khi gặp vấn đề, gặp người sân hận với mình, gặp nghịch duyên khiến mình sân hận thì lúc đó hạnh nhận nhục của mình mới thực hành được mà thôi. Vì vậy mới nói sân hận chính là người thầy tốt nhất của hạnh nhẫn nhục.
Khi thực hành trong nghi quỹ, có phần phát nguyện bồ đề tâm, trong đó ta nguyện khởi tâm bồ đề tới những người gây chướng trái và kẻ thù của mình, sau đó mới khởi tâm bồ đề lên cho tất cả chúng sinh. Lý do mà các vị thầy tổ đặt kẻ thù và những người gây chướng trái cho mình lên trước chúng sinh vì nhờ họ ta mới phát khởi bồ đề tâm. Sự khởi phát bồ đề tâm đó chính là một lớp áo giáp một sự bảo vệ tốt nhất của họ. Những người xung quanh trước đây có thể họ là kẻ thù của ta thì sao? Và chính họ là người bảo hộ của ta.
Nguyên liệu chính của hạnh nhẫn nhục là lòng từ và bi. Trong truyện khi Đức Phật Thích Ca thành đạo và lúc mà Ngài giác ngộ Ngài nhập vào từ bi tam muội. Lúc đó ma vương mới đến quấy phá Ngài và biến ra các cô gái rất là đẹp đến nhảy múa, vv... Và trong tam muội định đó cô gái trẻ đẹp biến thành bà già, tất cả vũ khí phóng về phía ngài trở thành hoa, đó là nhờ sức mạnh thực sự của từ bi.
Chúng ta chưa giác ngộ thì chưa đạt tới cảnh giới của chư Phật, nhưng ta có thể bắt đầu những bước đầu tiên, theo đó ta từ từ khởi tâm yêu thương. Tâm yêu thương từ bi này không phải là cái ta hiểu theo kiểu văn chương sách vở mà phải thông qua sự thực hành của mình, mình cảm nhận nó và nó mới trở thành từ bi thật. Giống như Tổ Jigten Sumgon đã nói, thế nào tâm từ bi thật sự? Tâm từ bi thật sự phát khởi cũng giống như ta nhìn đứa trẻ đáng yêu đang đứng trước mình.
Giống như người mẹ lần đầu sinh con. Khi bế đứa con mới sinh trên tay và lần đầu tiên đứa trẻ mỉm cười, tự nhiên trong tâm người mẹ sẽ khởi lên tâm yêu thương. Rồi tiếp theo thời gian trôi đi khi đứa trẻ bập bẹ nói tiếng mẹ, người mẹ sẽ lại hạnh phúc nói rằng ôi con tôi đã biết nói. Tình thương rất là hạnh phúc, rất là ấm áp ngài nói rằng đó là tình thương thanh tịnh, rất khác so với tình yêu thế tục mối quan hệ bạn bè yêu đương.
Cũng như vậy, khi ta nhìn con vật nhỏ chơi với mẹ nó, tự nhiên trong tâm ta khởi lên tâm yêu thương. Chính tâm yêu thương đó, chính cảm xúc yêu thương đó chính là những bước đầu tiên giúp mình đến với tâm bồ đề. Thì bắt đầu Tổ Jigten Sumgon Ngài dạy như sau, khi mình đã khởi tâm yêu thương như vậy rồi, mình hướng tâm đó đến những người xung quanh mình như bố mình, mẹ mình, những người đã giúp đỡ mình trong đời này và mình yêu thương họ như thế. Và khi tình yêu thương này trải rộng hơn tới hàng xóm xuanh quanh mình. Nhưng đến một lúc nào đó nếu mình trải đến người hàng xóm và cảm thấy tâm mình không yêu thương được họ, thì mình lui lại mình quay trở lại với đứa con của mình, với những con vật nhỏ, với nguồn yêu thương của mình, nuôi nó lớn lại. Sau khi nó lớn lên rồi mình lại trải tiếp ra. Cứ tới và lui như vậy sẽ giúp tâm mình trải ra rộng khắp.
Một cánh hoa nhỏ ném xuống hồ thì gợn sóng từ từ sẽ mở rộng ra. Cũng như vậy, đầu tiên nhân khởi nhỏ đó sẽ lan rộng ra được, bắt đầu từ người thân thuộc mình, đến những người xung quanh, đến quốc gia, đến thế giới, đến vũ trụ và đến thập phương pháp giới, toàn thể tất cả. Sự lan khởi là như thế.
Tâm yêu thương của mình là thực hành trọng yếu của pháp đại thừa. Nhờ thực hành này mà nghiệp chướng của mình được tịnh hoá. Giống như ngài Tịch Thiên trong cuốn Nhập bồ tát hạnh có nói, như một ngọn lửa lan khắp khu rừng, tình yêu thương sẽ quét sạch hết nghiệp chướng đã tồn tại qua nhiều đời nhiều kiếp.
Nhóm Tâm Ấn đánh máy lại từ bài giảng. Minh Tâm trình bày